BLOG

Đi miền Tây mùa nào đẹp nhất trong năm? Nên đi những đâu?

Miền Nam nước ta nói chung và Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng không có 4 mùa kiểu xuân hạ thu đông như miền Bắc, miền Trung. Nơi này có khí hậu nhiệt đới với nắng ấm quanh năm và chỉ phân định thành hai mùa, đó là mùa mưa và mùa nắng (khô). Đã có nhiều du khách đặt cậu hỏi vậy du lịch miền Tây mùa nào đẹp nhất trong năm? Nên đi những đâu? Có gì ấn tượng và khác biệt hơn những vùng miền kia? Câu trả lời là có đấy, rất nhiều nữa là khác. Miền Tây Nam bộ có những mùa đặc biệt với những sắc thái độc đáo phân bổ quanh năm. Dưới đây là những thông tin hữu ích để du khách tham khảo và dựa vào đó để lên lịch trình cho chuyến đi của mình với những khám phá và trải nghiệm hợp lý nhất.

Du lịch miền Tây tham quan vườn trái cây

Khi nhắc đến du lịch miền Tây, du khách hay liên tưởng đến việc tham quan những vườn cây ăn trái trĩu quả. Được mệnh danh là “vựa trái cây” hay “vương quốc trái cây”; có vô số giống, loại cây ăn trái gần như thay phiên nhau chín quanh năm. Tuy nhiên, vào mùa hè là mùa vụ nhiều loại trái cây chín rộ nhất, sẽ thích hợp với các tour tham quan miệt vườn.

Thời gian tham quan: từ tháng 4 đến khoảng tháng 8.

Khi tham quan các nhà vườn trái cây ở miền Tây, du khách sẽ được trải nghiệm phong cách “vào vườn hái trái ăn bao bụng”. Các hoạt động chính là chụp hình với khu vườn trĩu quả, nhiều màu sắc đẹp mắt. Đặc biệt nhất: tự tay mình “thu hoạch” thỏa thích và thưởng thức ngay tại…gốc.

Có thể kể đến các tuyến điểm có tham quan vườn cây ăn trái:

  • Tham quan vườn trái cây Bến Tre.
  • Tham quan vườn trái cây Cần Thơ.
  • Tham quan vườn trái cây Tiền Giang.
  • Tham quan vườn trái cây Đồng Tháp.

Các loại trái cây chín vào mùa hè: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, vải…

Du lịch miền Tây trải nghiệm mùa nước nổi

Thời gian tham quan: từ tháng 9 đến tháng 11.

Thời gian này, nếu như khu vực phía Bắc là mùa thu với tiết trời dịu mát; hay miền Trung chống chọi với các cơn bão, lụt; thì thời gian này là “mùa nước nổi” ở miền Tây Nam bộ.

Khi đó, ở nhiều nơi khu vực đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp, Long An…có sự thay đổi về cảnh sắc với không gian ruộng đồng tứ bề ngập nước. Thói quen sinh hoạt thường nhật của người dân cũng sẽ thay đổi để thích nghi với “con nước lên”. Có khá nhiều trải nghiệm lý thú trong tour mùa nước nổi miền Tây sẽ mang đến cho du khách sự lạ lẫm và hấp dẫn, như: chèo xuồng ba lá đi gỡ lưới bắt cá linh, hái bông điển điển, lội ruộng nhổ ấu, bắt chuột đồng… Còn gì bằng khi được thưởng thức các “chiến lợi phẩm” sau một buổi thu hái với các món ăn trứ danh: cá linh kho lạt, canh chua bông điên điển, chuột đồng nướng lu…

Các tour tham quan mùa nước nổi miền Tây:

  • Tour mùa nước nổi Đồng Tháp.
  • Tour mùa nước nổi An Giang.
  • Tour mùa nước nổi Tràm Chim, Rừng Tràm Trà Sư.

Du lịch miền Tây dịp cuối năm

Thời gian tham quan: tháng 12 đến tháng 01 năm sau (trước Tết Nguyên đán).

Các tháng cuối năm, nếu có dịp đi du lịch miền Tây, du khách sẽ được cơ hội khám phá những nét độc đáo rất riêng của đất và người nơi này.

Khi đó, phương Nam vào mùa khô và đầy nắng, những nụ mai vàng cũng bắt đầu chớm nhô để báo hiệu một mùa xuân sắp bắt đầu. Người dân tại các nhà vườn khu vực Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long…lại hối hả chuẩn bị những thành phẩm của mình để phục vụ cho việc chào đón cho một năm mới đầy sung túc. Những vườn quýt hồng Lai Vung trĩu quả đang chờ các thương lái chở đi khắp nơi. Trên những ruộng hoa với nhiều loại đua nhau khoe sắc ở Làng hoa Sa Đéc (Làng hoa Tân Quy Đông) người dân cẩn thận chăm tỉa từng mắt lá để làm đẹp cho các ngôi nhà, công trình chuẩn bị đón Tết. Cạnh đó là khung cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập những xuồng hoa đầy ắp đang tranh thủ cho kịp những chuyến hàng cuối năm cũng làm du khách không khỏi nôn nao, đón chờ.

Những tour du lịch miền Tây tiêu biểu dịp cuối năm:

  • Tour Làng Hoa Sa Đéc – Vườn quýt hồng Lai Vung 1 ngày.
  • Tour Đồng Tháp – Cần Thơ: tham quan Làng hoa Sa Đéc – Vườn quýt hồng Lai Vung – Cồn Sơn – Chợ nổi Cái Răng 2 ngày.

Sau Tết đi du lịch miền Tây tát đìa bắt cá và gác kèo ăn ong

Cũng từ các tháng mùa khô cận và sau Tết, khi những đàn cá trong các ao đìa bị mắc kẹt không kịp theo con nước “ra đồng” đợt “mùa nước nổi” vừa rồi đã đủ lớn, người dân miền Tây sẽ tiến hành hoạt động “tát đìa” để có thêm nguồn thực phẩm dồi dào ăn tết và chế biến những đặc sản dự trữ qua năm. Về miền Tây, thử một lần trải nghiệm tát đìa bắt cá là du khách đã quay về sống trong hàng trăm năm trước của một thời khai khẩn của tiền nhân đi mở đất…

Chưa kể, mùa khô cũng dịp để du khách đến các vùng thuộc U Minh Thượng và U Minh Hạ nơi tận cùng Tổ quốc (Cà Mau, Kiên Giang) để thử một lần cùng người dân vào rừng để “ăn ong”. Tự tay mình thu hoạch những giọt mật ong sánh màu hổ phách ngọt lịm, du khách sẽ thêm yêu và trân quý những món quà được ban tặng từ thiên nhiên, để yêu hơn môi trường sống này.

Có thể bạn quan tâm