BLOG

Chùa Phật Học Cần Thơ ở đâu? Kiến trúc và Lịch sử có gì đặc biệt?

Chùa Phật Học Cần Thơ là một địa danh hành hương quen thuộc của các đoàn phật tử trong và ngoài nước. Đây cũng là địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ, được rất nhiều du khách yêu thích. Ngôi chùa với kiến trúc hoành tráng tọa lạc trên đại lộ Hòa Bình, tạo nên vẻ uy nghi nhưng cũng bình yên đến kỳ lạ.

Chùa Phật Học Cần Thơ nằm ở đâu, đi như thế nào?

Chùa Phật Học Cần Thơ nằm đối diện chùa Khmer Munirensay, đối diện tòa nhà Sacombank và gần với Trường THCS Chu Văn An. Chùa nằm cách bến Ninh Kiều không xa (650m đi bộ). Du khách từ bến Ninh Kiều có thể đi bộ tới chùa một cách dễ dàng trong khi tham quan, thăm thú mọi thứ ở khu vực này.

  • Địa chỉ: 11 đại lộ Hòa Bình, quận Ninh Kiều, trung tâm thành phố Cần Thơ.
  • Giờ mở cửa: 8h00 – 22h00.
  • Điện thoại liên hệ: 071.827685.
  • Chùa thường mở cửa đón khách tham quan vào các ngày trong tuần.

Chùa Phật Học Cần Thơ có gì hay?

Là một địa điểm hành hương của nhiều Phật tử đến từ khắp nơi, vào những ngày lễ Vu Lan hay lễ Phật Đản, chùa Phật Học ở Cần Thơ đón hàng trăm lượt Phật tử ghé thăm. Đối với khách du lịch, đây là một địa điểm thú vị để ghé qua kiếm tìm một chút bình yên giữa bộn bề cuộc sống.

Tại sao có tên chùa Phật Học?

Nhiều du khách ghé thăm thường thắc mắc tại sao chùa có tên là chùa Phật Học. Được biết, trước đây chùa là trụ sở của Hội Phật học Nam Việt tỉnh Cần Thơ và được Hội Phật học xây dựng vào năm 1951. Mục đích ban đầu của nơi đây là một ngôi chùa Phật học để mọi người đến tu tập Phật pháp.

Cho đến nay, chùa Phật Học đã trải qua nhiều đời trụ trì. Trong đó Hòa thượng Thích Thiện Phước về trụ trì chùa từ năm 1965 là vị trụ trì lâu năm nhất. Tiếp đó, Đại đức Thích Minh Thông kế vị đã có rất nhiều đóng góp cho nền Phật giáo địa phương. Đặc biệt đại đức đã tổ chức đại trùng tu chùa Phật Học vào hai năm 1998 – 1999.

Hiện nay, chùa thường xuyên tổ chức các khóa giảng pháp, phát cơm từ thiện cho người nghèo, tặng quà cho các học sinh vùng sâu vùng xa. Tới dịp thi cử, chùa hay làm cơm chay miễn phí phát cho các em học sinh. Đây cũng là nơi để tổ chức các lễ hội Phật giáo lớn cho các Phật tử trong và ngoài nước đến sinh hoạt, chiêm bái.

Kiến trúc chùa Phật Học đầy ấn tượng

Ban đầu chùa chỉ có 3 tầng và kiến trúc tương đối đơn giản. Năm 2012 chùa được bắt tay vào đại trùng tu thành tòa nhà 5 tầng uy nghi như hiện nay. Chánh Điện và giảng đường của chùa đủ sức chứa hơn 100 người. Điều thú vị là chùa có tới 5 tầng, nhiều gian phòng thờ rộng rãi, đầy đủ chức năng nhưng khoảng sân trước lại chỉ rộng 20m2 cùng một cây đa cổ thụ.

Nhìn từ bên ngoài và trông từ xa, ngôi chùa bề thế nằm nép mình yên ả giữa lòng thành phố. Tuy không gian ở bên ngoài chùa khá ồn ào, tấp nập do ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên khi bước vào bên trong chùa là một không gian yên tĩnh thanh bình khác hẳn bên ngoài.

Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông. Chùa này được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiêu biểu của chùa ở khu vực miền Nam, có chánh điện lớn và nhiều cửa ra vào. Điện Phật có ba pho tượng lớn tôn trí ở trung tâm là tượng đức Phật A Di Đà, đức Phật Thích Ca và đức Phật Dược Sư.

Tầng 3 là nơi thờ một tượng Bồ Tát. Tầng 4 là nơi thờ chính Đạt Ma Sư Tổ. Tầng 5 là nơi thờ tượng Phật A Di Đà, 2 bên là những tượng Phật Bồ Tát và tượng áp của các vị La Hán. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi chùa cho bạn một tầm nhìn bao quát ra khu vực xung quanh.

Xung quanh chùa là hàng lang, hàng rào thông thoáng. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát và nhiều bức tượng Phật có mặt khắp nơi. Điều thú vị là những bài kinh Phật, chú đại bi được khắc chạm vào đá để gần các tượng Phật. Hay cả những điều nguyện ước, cầu an được ghi lại và treo lên các nhánh cây. Tất cả mang đến một không gian thanh tịnh vô cùng.

Chùa được trang trí công phu, tươm tất, có nhiều đèn lồng giăng ngang xung quanh. Vào dịp các ngày đại lễ, đèn lồng sẽ được thắp sáng, vô cùng lung linh.

Có thể bạn quan tâm